Mindmap là gì? Công cụ gia tăng hiệu quả trong học tập
Trong quá trình học tập và làm việc, chúng ta có rất nhiều phương pháp để sắp xếp và ghi nhớ thông tin một cách nhanh chóng. Tuy nhiên phươ...
Trong quá trình học tập và làm việc, chúng ta có rất nhiều phương pháp để sắp xếp và ghi nhớ thông tin một cách nhanh chóng. Tuy nhiên phương pháp đang được nhiều người sử dụng nhất đó chính là “mindmap” hay còn gọi là sơ đồ tư duy. Hiện nay, đây đang là phương pháp tổng hợp và nạp thông tin kiến thức đơn giản nhất. Ngoài ra, nó còn thể tận dụng được tối đa khả năng ghi nhớ của não bộ. Hãy cùng Zila tìm hiểu rõ hơn về mindmap và cách sử dụng mindmap hiệu quả nhất nhé!
I. GIỚI THIỆU VỀ MINDMAP
1. Mindmap là gì?
Mindmap là phương pháp được đưa ra để tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh, thông tin của bộ não. Giúp người dùng ghi nhớ chi tiết, tổng hợp hoặc phân tích một vấn đề thành một dạng của lược đồ phân nhánh. Có thể coi phương pháp này là một trong những cách trình bày ý tưởng, nhưng được người tư duy vận dụng sáng tạo và làm độc đáo lên những thông tin giúp bộ não ghi nhớ tốt hơn.
Sử dụng mindmap sẽ giúp khai thác cả hai khả năng ghi nhớ kiểu tuyến tính (ghi nhớ theo 1 trình tự nhất định) và khả năng liên lạc, liên hệ các dữ liệu với nhau của bộ não.
2. Nguồn gốc của mindmap
Theo sử sách ghi lại, “Tree of Porphyry” - bản đồ tư duy đầu tiên được biết đến ở niên đại khoảng năm 300 Sau Công Nguyên, được vẽ bởi nhà triết học cổ đại Porphyry cho thấy mối quan hệ giữa những thứ vật chất và phi vật chất trong thế giới này.
Tuy nhiên hiện nay có thể cho rằng người phát triển phương pháp này và làm cho nó trở thành một xu hướng, đó chính là Anthony “Tony” Peter Buzan (1942 - 2019) hay còn được gọi là Tony Buzan. Ông là tác giả, nhà nghiên cứu, nhà tâm lý người Anh và là cha đẻ của phương pháp tư duy mindmap. Khoảng những năm giữa thập niên 70, Tony Buzan đã phát triển phương pháp mindmap dựa trên những nghiên cứu về tâm lý học và quy luật của trí nhớ. Sau đó đưa các kỹ xảo về mindmap truyền bá rộng ra quốc tế và sử dụng phổ biến trong các cơ quan giáo dục và lĩnh vực kinh doanh. Bạn cũng có thể tìm đọc cuốn sách nổi tiếng của ông là “Lập bản đồ tư duy” (How to mindmap).
Thời gian đầu, mindmap được ứng dụng vào giáo dục. Đây là phương pháp giúp các học sinh ghi chép lại nội dung bài giảng, các nội dung quan trọng trên lớp bằng các từ khóa chính hoặc trình bày thông tin bằng các hình ảnh, kí hiệu đơn giản để dễ ghi nhớ và dễ ôn tập hơn.
>> Xem thêm: Có nên du học Hàn Quốc ngành thiết kế đồ họa không?
II. VẬN DỤNG MINDMAP
Các lĩnh vực có sự ứng dụng của mindmap và nhận được hiệu quả nhiều nhất chính là lĩnh vực kinh doanh và giáo dục. Bằng sự sáng tạo riêng của người thiết kế mà mỗi mindmap có những ưu điểm độc đáo, tạo nên một “bức tranh" thông tin được chắt lọc kỹ càng, giúp ghi nhớ hay là giải quyết vấn đề đều được nhanh chóng và dễ dàng.
1. Ưu điểm của mindmap
So với việc ghi chép truyền thống thì phương pháp sắp xếp và ghi nhớ thông tin bằng cách sử dụng mindmap có những ưu điểm như là:
- Tăng tính sáng tạo bằng cách sử dụng màu sắc yêu thích.
- Xác định được nội dung trọng tâm cần phải nắm bắt, đi đúng vào trọng tâm vấn đề, không lan man, dài dòng.
- Tiết kiệm tối đa thời gian.
- Nâng cao hiệu quả công việc, học tập.
- Xác định được mức độ quan trọng của mỗi ý và sắp xếp theo độ xa hay gần với tiêu đề chính ở trung tâm.
- Tiếp nhận nhanh chóng sự liên hệ của các khái niệm, thông tin thông qua thị giác.
- Dễ dàng bổ sung thông tin vào mindmap.
- Chọn lọc tiếp nhận thông tin theo từng cụm đã vẽ.
- Có thể thiết kế mindmap bằng nhiều hình thức khác nhau.
2. Hiệu quả khi sử dụng mindmap
Khi sử dụng mindmap, người thiết kế sẽ có thể nghĩ ra được vô vàn ý tưởng và sắp xếp để liên hệ các ý lại với nhau. Điều này làm cho phương pháp này trở thành công cụ hữu ích để soạn các bài viết, khi có những ý kiến cần phải được ghi nhanh xuống. Sau đó tùy theo các từ khóa chính thì các câu hay đoạn văn sẽ được triển khai rộng ra.
Sử dụng mindmap trong học tập
Đối với các bạn học sinh, sinh viên có thể sử dụng mindmap để giải quyết các bài tập, khái quát nội dung bài học, brainstorm các ý tưởng… Đặc biệt khi học ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Hàn cũng như các ngoại ngữ khác thì việc thường xuyên phải đọc hiểu các bài viết, sách báo để nâng cao vốn từ vựng là điều vô cùng quan trọng. Chính vì lý do này cho nên sử dụng mindmap để ghi lại nhanh các thông tin trong bài đọc có thể giúp bạn ghi nhớ được những từ mới, nắm được thông tin then chốt của nội dung bạn đã đọc.
Trong trường hợp xảy ra các tình huống cần gấp những phương án để xử lý thì mindmap sẽ giúp bạn dễ dàng tìm ra những vấn đề, rõ ý để có được hướng giải quyết cụ thể nhất cho tình huống. Cũng có thể sử dụng mindmap để khi thuyết trình có thể diễn đạt thông tin tốt hơn, nếu người nghe có muốn đặt câu hỏi thì người thuyết trình cũng dễ tìm ra thông tin để trả lời lại.
>> Xem thêm: Lịch khai giảng lớp tiếng Hàn Hangul tại Zila
Sử dụng mindmap trong các lĩnh vực kinh doanh, nghiên cứu
Phía sau sự thành công trong lĩnh vực kinh doanh và nghiên cứu thì không thể kể đến hiệu quả của việc ứng dụng của mindmap khi làm việc, một số tính ứng dụng của mindmap có thể kể đến như:
- Lập kế hoạch kinh doanh
- Quản lý dự án
- Tổ chức cuộc họp
- Lập bản câu hỏi phỏng vấn
- Nghiên cứu và phát triển sản phẩm
- Hệ thống nội dung khi thuyết trình trong công ty
Sử dụng mindmap trong cuộc sống hàng ngày
Ngoài ứng dụng mindmap vào công việc và học tập thì trong cuộc sống bạn cũng có thể áp dụng mindmap để có thể quản lý các mục tiêu sống cá nhân như là:
- Quản lý thời gian
- Quản lý các mục tiêu cá nhân
- Quản lý các sự kiện, thông tin quan trọng
- Tạo phong cách riêng học tập riêng cho bản thân
- Hệ thống được các kiến thức trong quá trình học tập hay đi du học ở môi trường mới.
- Khi học tập bằng một ngôn ngữ khác, cách nghe và ghi chú từ khóa chính sẽ giúp bạn có thể nắm bắt được nội dung của bài giảng tốt hơn.
III. LÀM THẾ NÀO ĐỂ THIẾT KẾ MINDMAP MANG HIỆU QUẢ?
Thiết kế một mindmap thực ra là một quy trình rất đơn giản, bạn cần hiểu và suy nghĩ một cách có hệ thống, mường tượng, tổng hợp, liên kết và chọn lọc thông tin.
1. Các bước thiết kế mindmap mang hiệu quả cao
Đối với cá nhân
- Bước 1: Xác định chủ đề chính
Chủ đề chính của mindmap là “từ khoá” phải bao quát được toàn bộ vấn đề cần giải quyết, cũng có thể là một dự án mới hay một ngôn ngữ mới mà bạn muốn học… Và chủ đề chính sẽ được viết to, rõ ràng ở chính giữa trang giấy.
- Bước 2: Thêm các nhánh thông tin từ chủ đề chính
Từ chủ đề chính ở giữa, bạn sẽ phải tưởng tượng tất cả nội dung bạn đang sắp vẽ ra là một cái cây có nhiều nhánh. Chủ đề chính bạn đã nghĩ ra ở bước 1 được xem như thân cây và các nhóm thông tin nhỏ như những nhánh cây.
Từ chủ đề chính bạn hãy liệt kê ra tất cả các ý tưởng, thông tin có liên quan và ghi chú vào mindmap bằng các từ khóa chính, ký tự, hình ảnh, ký hiệu theo sự hiểu biết của mình.
- Bước 3: Thêm các nhánh thông tin phụ nhỏ hơn
Bạn cần sắp xếp thông tin theo mức độ quan trọng, các ý càng quan trọng sẽ nằm càng gần với chủ đề chính ở trung tâm.
Các ý phụ bổ sung cho ý chính quan trọng trước đó sẽ nằm ở các nhánh nhỏ hơn, được vẽ từ nhánh chính thứ nhất.
Từ mỗi ý quan trọng, bạn phải vẽ các phân nhánh mới các ý phụ bổ sung cho ý đó và từ các ý phụ này lại, mở ra các phân nhánh chi tiết cho mỗi ý.
Đối với nhóm người làm việc hoặc nghiên cứu
Khi một nhóm người phải làm việc chung hoặc nghiên cứu về một vấn đề nào đó thì sẽ xuất hiện vô vàn ý kiến trong suốt cả quá trình. Để có thể giải quyết công việc, vấn đề một cách suôn sẻ ngay từ bước đầu thì nên lựa chọn sử dụng mindmap. Việc tiến hành sử dụng mindmap nhóm nhiều người như sau:
- Bước 1: Từng thành viên trong nhóm tự vẽ một mindmap về những gì mình đã biết liên quan đến chủ đề chính cần giải quyết.
- Bước 2: Kết hợp các cá nhân để chọn ra điểm chung của chủ đề.
- Bước 3: Quyết định hướng phát triển ý tiếp theo dựa trên các ý chung đã được kết hợp.
- Bước 4: Tuỳ theo yêu cầu mà tất cả các thành viên sẽ chú tâm vào một lĩnh vực hoặc phân chia mỗi người một lĩnh vực để đẩy nhanh tiến độ công việc. Dựa trên các ý chung đã thảo luận ban đầu, mỗi cá nhân phát triển ý tưởng của mình vào mindmap riêng.
- Bước 5: Kết hợp lại một lần nữa các ý tưởng của thành viên là chọn lọc thành một mindmap hoàn chỉnh.
2. Một vài lưu ý khi thiết kế mindmap
- Sử dụng hình ảnh minh hoạ nếu có thể thay cho chữ viết cho mỗi ý, càng dễ hiểu càng tốt.
- Khi thể hiện các ý, nếu không thể dùng hình phải rút xuống tối đa thành một từ khóa ngắn gọn.
- Nên dùng xen kẽ các màu sắc khác nhau, các hình vẽ ngộ nghĩnh hoặc chèn thêm những ngôn ngữ khác sao cho tiện với thói quen trí nhớ của mình.
- Vẽ các đường liên kết theo đường cong hoặc các hình dạng uốn lượn khác nhau hoặc vẽ theo trí tưởng tượng của bạn để tạo nên sự sống động, kích thích hứng thú ghi nhớ mỗi khi xem lại.
- Tô đậm màu sắc ở các đường liên kết ở nhánh lớn và nhạt hơn ở các nhánh phụ. Sử dụng màu sắc khác nhau để tách biệt từng cụm nhánh khác nhau trên sơ đồ.
IV. CÁC PHẦN MỀM HỖ TRỢ THIẾT KẾ MINDMAP
Ngày nay, con người đã và đang tận dụng những ưu điểm của mindmap vào quá trình làm việc, học tập… tuy nhiên cùng với sự phát triển vượt bậc của thời đại công nghệ thông tin 4.0 nên đã có sự xuất hiện các phần mềm hỗ trợ thiết kế mindmap trên máy tính và online để giúp cho con người tiết kiệm thời gian tối đa nhất. Các phần mềm này sẽ hỗ trợ bạn tự do kéo, thả các nhánh ý tưởng và sắp xếp lại mà không cần phải tẩy xoá như cách truyền thống là vẽ trên giấy. Thêm vào đó, tạo mindmap trên máy tính hoặc online sẽ không phải lo lắng thiếu chỗ để viết, dữ liệu được lưu trữ lâu dài, tiện lợi để truy cập bất cứ khi nào bạn cần.
Bạn có thể sử dụng các ứng dụng có sẵn trên máy tính như Word, Powerpoint để thiết kế một số sơ đồ đơn giản hoặc cũng có thể dùng các trang web online như Canva, Draw.io, Coggle, Mindmeister… Ngoài ra còn có các phần mềm chuyên dụng được tạo ra chỉ để dành riêng cho việc thiết kế mindmap, các bạn có thể tham khảo những ứng dụng ngay dưới đây:
1. Gitmind
|
>> Xem chi tiết: Gitmind
2. Mindboard (for S Pen)
|
>> Link tải ứng dụng: Google Play
3. XMind
|
>> Xem chi tiết: XMind
4. MindMaple
|
>> Xem chi tiết: MindMaple
V. TỔNG KẾT
Mindmap là một phương pháp cực kỳ hữu dụng có thể giúp ích chúng ta trong mọi khía cạnh của đời sống. Hy vọng qua bài viết trên các bạn có thể hiểu được mindmap là gì và cách để thiết kế mindmap sao cho hiệu quả và mang lại lợi ích trong quá trình học tập cũng như thực hiện công việc, nghiên cứu... Hãy thường xuyên ứng dụng mindmap để có thể nâng cao khả năng sáng tạo của chính mình và xây dựng một phong cách học tập, làm việc chuyên nghiệp đạt hiệu quả cao bạn nhé!